Phòng tránh các bệnh hô hấp khi thời tiết lạnh

Bình thường khi hít thở, không khí được sưởi ấm và lọc sạch một phần bởi niêm mạc đường hô hấp trên như: niêm mạc mũi-họng, trước khi đi vào đường hô hấp dưới (khí, phế quản, phế nang). Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang... từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm khí, phế quản và phổi rất nguy hiểm.

Đường hô hấp dưới (từ phía dưới thanh quản trở xuống đến phế nang) thường là vô khuẩn, vì nó chứa 2 loại kháng thể là IgA và IgG, 2 kháng thể này có tác dụng: diệt vi khuẩn, siêu vi khuẩn, khử độc tố của chúng. Cơ chế bảo vệ này giúp cho cơ thể nói chung, đặc biệt là niêm mạc đường hô hấp dưới nói riêng không bị nhiễm lạnh. Nếu bị nhiễm lạnh thì 2 loại kháng thể IgA và IgG giảm và mất hiệu lực, lúc này các loại vi khuẩn và siêu vi khuẩn từ đường hô hấp trên tràn xuống và gây viêm nhiễm đường hô hấp dưới, phát sinh các bệnh viêm thanh quản, viêm khí phế quản và viêm phổi. Để phòng tránh các bệnh này cần chú ý một số điểm sau:

Tránh bị nhiễm lạnh

Mặc ấm khi ra ngoài, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi đi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Khi đi xe đạp và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu lẫn mặt, cằm để tránh lạnh gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi, họng. Trong nhà cần đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở tránh gió lùa. Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên, cần tránh các kiểu sưởi bằng lò than sẽ gây ngộ độc khí CO2 rất nguy hiểm. Các gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng không nên để nhiệt độ trong phòng ngủ quá thấp, nhất là đối với những trẻ hàng ngày vẫn đi học hoặc người lớn đi làm, vì khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên. Thông thường nên để khoảng 25 - 27oC.

Điều trị sớm và triệt để

Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, cần điều trị sớm và triệt để tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản, phổi. Ví dụ như khi trẻ bị viêm mũi thì mũi của trẻ bị chất tiết làm tắc, trẻ sẽ thở bằng mồm, như vậy không khí trẻ hít thở vào khí quản, phổi sẽ không được sưởi ấm và lọc sạch như trẻ thở bằng mũi bình thường nên trẻ rất dễ bị viêm phế quản, viêm phổi với diễn biến nhanh, nặng. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là khai thông đường hố hấp trên của trẻ bằng cách rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý natriclorua 9‰: cho trẻ nằm nghiêng, đầu kê một chiếc khăn mặt bông to, bơm nhỏ dung dịch với nước muối sinh lý (hoặc phun xịt nếu có loại chế phẩm đóng trong bình xịt áp lực) vào lỗ mũi ở phía trên dần dần sao cho dịch chảy đẩy các chất tiết trong lỗ mũi ra lỗ mũi ở phía dưới. Khi thấy dịch mũi chảy ra thì lấy khăn giấy hoặc khăn vải mềm lau sạch, hoặc hút nhẹ dịch, chất tiết ra. Với các cháu nhỏ thường ban đầu các cháu sợ nên giãy giụa, cần có một người giữ chặt các cháu để khỏi giãy, một người bơm nước muối vào mũi. Nếu không có người giúp thì có thể lấy miếng vải, chăn hoặc ra trải giường quấn dọc người cháu, cuộn cả chân tay để cháu không giãy. Với các cháu đã biết hỉ mũi, cho cháu ngồi dậy hỉ mũi ra khăn giấy. Đối với người lớn cũng cần làm sạch mũi bằng cách tương tự.

Tránh các thói quen xấu

Như hút thuốc lá thuốc lào. Hút thuốc làm giảm sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất nhầy lên được, các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả làm cho ta dễ bị nhiễm trùng. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng tới người hút mà còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh nếu hít phải khói thuốc, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì vậy không nên hút thuốc trong nhà.

Nghiện rượu cũng làm giảm sức để kháng của cơ thể, khi uống rượu người ta có cảm giác nóng nên thường cởi bớt quần áo, khăn mũ nên dễ bị nhiễm lạnh, dễ bị nhiễm trùng phế quản, phổi. Chưa kể các trường hợp uống rượu say quá nôn ra thức ăn, trong lúc nôn người đó dễ bị sặc các thức ăn, chất dịch dạ dày vào phế quản gây viêm phổi nặng.

Tăng cường sức đề kháng

Viêm phổi có xu hướng nặng hơn ở người trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc bệnh mạn tính như: đái tháo đường, các tình trạng bệnh lý khiến bệnh nhân phải nằm lâu, những người có tổn thương cấu trúc phổi-phế quản như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi… Do vậy, ở những bệnh nhân này, cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, tuân theo chế độ điều trị bệnh đang mắc. Ở những bệnh nhân nằm lâu, cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp với vỗ rung lồng ngực. Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vaccine phế cầu, vaccine phòng vi khuẩn haemophilus cho trẻ em, người trên 65 tuổi, nhất là người có mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch nhằm gia tăng sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp.

Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh.

Thường xuyên bảo đảm vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng. Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở răng, hàm, miệng, tai, mũi, họng để tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.

Tất cả mọi người khi phát hiện mình có các dấu hiệu khác thường như: ho, sốt, khạc đờm, khó thở, đau ngực… phải tới gặp bác sĩ để được xác định bệnh và điều trị kịp thời, tránh không để bệnh tiến triển nặng gây các biến chứng nguy hiểm.

BS.CK2. Nguyễn Đức Lê

Phòng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Chăm sóc trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ

Ở lứa tuổi này, trẻ từ khi được bú mẹ đến lúc cai sữa mẹ và ăn bữa ăn của người lớn ở các nước thường có tỉ lệ suy dinh dưỡng khá cao kể cả Việt Nam nếu trẻ không được chăm sóc tốt. Mô hình bệnh tật ở tuổi nhà trẻ chủ yếu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường ruột như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp và một số bệnh lây truyền khác thường gặp.

Lứa tuổi này chủ yếu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường ruột, viêm đường hô hấp...

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, các nhà khoa học vận động việc nuôi con bằng sữa mẹ, khuyến cáo nên cho trẻ bú kéo dài ít nhất trong thời gian từ 18 - 24 tháng tuổi; hướng dẫn cho bà mẹ cách dùng thức ăn bổ sung đúng đối với trẻ, đồng thời vận động nhà nước và các tổ chức xã hội cung cấp thêm thực phẩm bổ sung khẩu phần thức ăn cho trẻ. Đồng thời ngành Y tế cần hướng dẫn mạng lưới nhi khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em theo dõi cân nặng của trẻ để sớm phát hiện các trường hợp suy dinh dưỡng trên biểu đồ cân nặng. Với phương pháp này, trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi 3 tuổi cần lập bảng theo dõi phát triển cân nặng theo quy định: trong năm đầu tiên phải cân trẻ hàng tháng, từ năm thứ hai cân mỗi quý một lần, từ năm thứ ba cân mỗi sáu tháng một lần; khi trẻ lên 4 - 5 tuổi mỗi năm chỉ cần cân một lần. Các nhà khoa học cho rằng 3 năm đầu là thời gian trẻ tiếp tục phát triển lớn nhanh, hoàn thiện các cơ quan bộ máy trong cơ thể, tăng trưởng khoảng 50% chiều cao vĩnh viễn, phát triển hoàn chỉnh tế bào thần kinh trung ương. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy và viêm phổi nhiều lần hoặc mắc các bệnh lây truyền khác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng. Lưu ý ở lứa tuổi nhà trẻ, trẻ nhỏ rất dễ có nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong do suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn, nhất là bị viêm phổi, tiêu chảy, mắc bệnh sởi... Trong lứa tuổi này, ngoài việc hướng dẫn cho người mẹ nuôi con đúng phương pháp, cần phải theo dõi cân nặng để đề phòng suy dinh dưỡng; nhân viên y tế cơ sở nên hướng dẫn cho người mẹ biết cách xử lý đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, điều trị bù dịch bằng đường uống tại nhà; biết theo dõi nhiệt độ, nhịp thở của con bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Bữa ăn của trẻ từ 1 - 3 tuổi cần thực hiện 4 bữa mỗi ngày, ăn theo kiểu cháo thập cẩm và cơm nát, thức ăn cần nấu nhừ dạng canh, cho ăn thêm hoa quả hàng ngày. Chú ý không nên cai sữa mẹ sớm, nhất là khi trẻ bị ốm, mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Các bệnh giun sán, ngoài da, tai mũi họng, răng miệng thường chiếm tỉ lệ khoảng 90%

Bệnh còi xương ở nhóm tuổi nhà trẻ cũng thường gặp, theo các nhà khoa học bệnh này chiếm tỉ lệ cao khoảng từ 25 - 30% số trẻ em tại nước ta. Với một quốc gia quanh năm có ánh sáng mặt trời nhưng một số người mẹ chưa có tập quán cho trẻ ra ngoài trời sưởi nắng để có thể tiếp nhận nguồn vitamin D tự nhiên. Nếu bị mắc bệnh còi xương, trẻ sẽ chậm lớn, chậm biết đi, chậm mọc răng; khi còi xương nặng trẻ sẽ bị biến dạng đôi chân thành vòng kiềng, có hình chữ X, lồng ngực bị dô ra như ức của con gà. Để phòng ngừa bệnh còi xương, mỗi ngày cần cho trẻ ra chơi ngoài trời khoảng 30 phút, không mặc quần áo che kín người. Ánh sáng mặt trời phải trực tiếp tác dụng trên da của trẻ mới có thể chuyển hóa được tiền vitamin D thành vitamin D để sử dụng. Ngoài ra mỗi ngày có thể cho trẻ uống 1 viên vitamin D liều dưới 500 đơn vị, với liều này có thể dùng lâu dài hàng ngày nhưng không được cho liều cao hơn.

Trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi 3 tuổi cần lập bảng theo dõi phát triển cân nặng

Bệnh khô mắt ở trẻ trước 3 tuổi cũng được ghi nhận do thiếu vitamin A, do tập quán kiêng khem của người mẹ, do bữa ăn của con thiếu chất dinh dưỡng; đồng thời có thể do trẻ không được bú sữa mẹ, do trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Nếu trẻ có biểu hiện sợ ánh sáng, hay nhắm mắt, quáng gà; cần phải cho trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị ngay. Lưu ý nếu thiếu vitamin A cấp tính, trẻ có thể bị mù rất nhanh trong vòng vài ba ngày hoặc mù vĩnh viễn không cứu chữa được. Vì vậy phải thực hiện việc phòng bệnh chủ động với biện pháp cho trẻ bú sữa mẹ, ăn sam có trứng, rau xanh màu xanh thẫm, bữa ăn có đủ dầu mỡ... thì trẻ sẽ không bao giờ bị thiếu vitamin A. Khi trẻ được 2 tháng tuổi nên cho uống nửa viên nang vitamin A tương ứng với 100.000 đơn vị quốc tế, sau đó tiếp tục cho uống mỗi 6 tháng một lần; nếu trẻ trên 1 tuổi uống một lần cả viên nang tương ứng với 200.000 đơn vị quốc tế.

Mỗi ngày cần cho trẻ ra chơi ngoài trời khoảng 30 phút

Theo dõi và kích thích sự phát triển bình thường của trẻ

Trong tháng đầu tiên của cuộc đời, trẻ ở trạng thái ức chế và thường ngủ nhiều, chỉ khóc khi bị đói hay rét hoặc khó chịu trong người. Vì vậy, khi trẻ khóc, người mẹ nên cho con bú; lúc cho con bú cần xem tả lót, nếu bị ướt do nước tiểu thì phải thay ngay tả khô. Người mẹ cần nằm với con để thuận tiện trong việc chăm sóc trẻ, ủ ấm cho trẻ trong mùa đông lạnh và tránh để trẻ bị rét. Về mùa hè, trẻ có thể bị nóng nên cho trẻ tắm mỗi ngày một lần. Lúc trẻ được đầy tháng tuổi, cần bế trẻ ra ngoài trời ở chỗ thoáng mát, có ánh nắng mặt trời để phòng bệnh còi xương. Nếu 1 tháng tuổi mà trẻ biết nhìn ánh sáng đèn, hóng chuyện, ngẩng đầu thì đó là dấu hiệu bình thường. Ngược lại nếu trẻ ngủ suốt ngày, đói không biết khóc, đi tiểu ướt tả không biết kêu, bị vàng da trên 1 tuần, hay bị táo bón, chậm lớn, kém tinh nhanh... cần cho trẻ đi khám bác sĩ để sớm tìm ra bệnh lý và điều trị kịp thời. Theo các nhà khoa học, những trẻ phát triển bình thường có một số đặc điểm như: 3 tháng bắt đầu lẫy, 4 tháng có thể bò, 6 tháng bắt đầu ngồi, 8 - 10 tháng có thể chập chững, 11 - 12 tháng đã biết đi. Những phản xạ biết lạ, biết quen, biết nhận ra người mẹ, nói chuyện bi bô... có khi bắt đầu phát triển rất sớm nhưng cũng có khi phát triển chậm tùy thuộc ở điều kiện giáo dục, tiếp xúc thường xuyên với trẻ.

Chú ý răng sữa thường mọc vào lúc trẻ được 6 - 7 tháng tuổi. Việc mọc răng và thay răng vĩnh viễn thường xảy ra khi trẻ được 6 - 7 tuổi. Nếu răng mọc chậm hơn là phát triển muộn hoặc trẻ có thể bị bệnh còi xương hay mắc các bệnh khác. Lúc lớn lên được từ 3 - 5 tuổi, trẻ hay tìm hiểu sự vật ở chung quanh, hay bắt chước người lớn, thích hoạt động độc lập. Người lớn nên trả lời rõ ràng những câu hỏi của trẻ, không nên nói chớt hoặc nói ngọng vì trẻ dễ bắt chước theo. Hướng dẫn và khuyến khích trẻ tự rửa mặt, lau mặt, lau tay, cởi thắt giải rút quần, đi tất, đi dép; không nên làm thay cho trẻ khi trẻ thích làm mà chỉ nên để ý theo dõi và hướng dẫn cho trẻ.

Người mẹ cần có sự hiểu biết về chăm sóc trẻ và biện pháp phòng tránh

Phòng những bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Trẻ dưới 5 tuổi thường mắc một số bệnh lý hay gặp như suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp; các bệnh giun sán, ngoài da, tai mũi họng, răng miệng, mắt, còi xương...

Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ thường gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu chất protein và năng lượng, bị tiêu chảy cấp tính hoặc kéo dài vì thức ăn không thích hợp nên không hấp thụ được; bị nhiễm vi khuẩn, virút có liên quan đến điều kiện vệ sinh môi trường, khả năng kinh tế, chỗ ở, tập quán sinh hoạt...

Bệnh đường hô hấp của trẻ hay xảy ra ở đường hô hấp trên hay dưới do trẻ bị rét, bị yếu vì khả năng bảo vệ miễn dịch kém. Đồng thời có thể bị nhiễm vi khuẩn, virút được lây lan từ trẻ khác hoặc từ người lớn... Khi trẻ bị sốt và ho, người mẹ cần đếm nhịp thở; nếu trẻ thở dưới 40 lần/phút, có thể sử dụng thuốc hạ sốt và theo dõi tại nhà; nếu trẻ thở nhanh trên 50 lần/phút, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Các bệnh giun sán, ngoài da, tai mũi họng, răng miệng thường chiếm tỉ lệ khoảng 90% các trường hợp bệnh ở trẻ em. Tuy nhiên phần lớn các bệnh này có thể phòng ngừa và chữa trị được với điều kiện người mẹ có sự hiểu biết cần thiết về chăm sóc trẻ và biện pháp phòng tránh như phát hiện trẻ bị ngừng phát triển cân nặng thì phải tìm ngay nguyên nhân để khắc phục kịp thời, không để trẻ trở thành suy dinh dưỡng. Trẻ cần được súc miệng, đánh răng, tắm rửa hàng ngày; không để cho trẻ lê la trên đất cát, nền nhà... nhất là về mùa hè; tránh nhiễm trùng da, lây nhiễm các loại giun sán.

Bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ được xử trí bằng cách cho uống bù nước và điện giải ngay bằng dung dịch oresol hoặc nước cháo gạo, nước dừa non. Đồng thời cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu, không để trẻ nhịn ăn. Trong những trường hợp bệnh tiêu chảy cấp tính có diễn biến nặng hơn và xấu đi, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế thuận tiện để được khám và xử trí can thiệp phù hợp.

Bệnh về mắt cũng như bệnh về tai mũi họng ở trẻ cần được phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để tránh bị đau mắt đỏ, mắt hột, viêm mũi, viêm họng, viêm tai vì những bệnh này thường hay gặp ở trẻ. Nếu bị mắc các bệnh này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển lớn lên của trẻ và vừa có thể gây ra các biến chứng trầm trọng khác như viêm cầu thận, thấp tim...

Bệnh còi xương của trẻ ở nước ta hoàn toàn có thể phòng tránh được vì quanh năm đều có đủ ánh nắng mặt trời tại các vùng nếu biết thực hiện đúng phương pháp quy định.

Ngoài ra, những thói quen và tật xấu của người lớn cũng rất có hại làm ảnh hưởng đến trẻ như ăn uống không điều độ, hút thuốc lá ở những nơi có nhiều trẻ em, đánh mắng trẻ thô bạo... Những thói quen, tật xấu này có tác động đến sức khỏe, thể lực và tâm thần của trẻ trước mắt và có thể để lại hậu quả lâu dài suốt cuộc đời của trẻ. Một vấn đề phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ vì một số loại kháng sinh như thuốc tetracycline có thể tiêu hủy mầm răng của trẻ, làm răng không mọc được vĩnh viễn hoặc gây vàng răng, sún răng; thuốc streptomycine có thể làm trẻ bị điếc suốt đời, thuốc prednisolone dùng nhiều dễ làm trẻ loãng xương, béo phì và nguy hiểm nhất là che dấu các triệu chứng nhiễm khuẩn trong cơ thể, ức chế khả năng miễn dịch của trẻ. Lưu ý các loại kháng sinh khác đều có khả năng gây độc hại, dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ hoặc làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Vì vậy nên cho trẻ dùng thuốc kháng sinh hết sức hạn chế, không được tùy tiện, chỉ khi nào bác sĩ cho đơn thuốc mới được sử dụng kháng sinh

Lời khuyên của thầy thuốcViệc chăm sóc sức khỏe của trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi được 5 tuổi là một vấn đề khá quan trọng đối với y học dự phòng và cũng là vấn đề đặc biệt đối với chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Mặc dù giai đoạn phát triển trong 5 năm đầu đời này của trẻ với thời gian ngắn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến toàn bộ sự trưởng thành của một con người nên việc chăm sóc, theo dõi và kích thích sự phát triển, phát hiện và xử trí kịp thời những bệnh lý thường gặp rất cần thiết. Vì vậy vấn đề này cần phải được mọi người quan tâm, đặc biệt là các bậc cha mẹ và những người lớn có trách nhiệm đối với trẻ.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Xử trí u nguyên bào thận ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây ra bệnh còn chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sinh học phân tử đều thống nhất rằng ung thư bắt đầu khi các tế bào xuất hiện lỗi trong DNA của nó. Các lỗi này làm cho tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát được và tăng cường tuổi thọ đồng thời tiêu diệt các tế bào lành khác. Các tế bào tích tụ lại với nhau tạo thành một khối u. Trong khối u Wilms, quá trình này xảy ra trong các tế bào thận.

Yếu tố di truyền chỉ bắt gặp trong một số ít các trường hợp. Trong hầu hết trường hợp, không có sự liên hệ giữa cha mẹ và con có thể dẫn đến ung thư. Thay vào đó, một điều gì đó đã xảy ra trong giai đoạn sớm của sự phát triển, gây ra lỗi trong DNA và dẫn đến khối u Wilms.

Tổn thương thận trong bệnh Wilms.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u Wilms bao gồm:

Nữ giới: trẻ gái có nhiều khả năng phát triển khối u Wilms hơn trẻ trai.

Da đen: trẻ em da đen có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất trong khi trẻ em gốc châu Á có tỉ lệ rủi ro thấp hơn so với trẻ em thuộc các chủng tộc khác.

Tiền sử gia đình: nếu ai đó trong gia đình đã có khối u Wilms, thế hệ sau nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Khối u Wilms hay gặp hơn ở trẻ em có một số bất thường bẩm sinh, bao gồm: Aniridia (không có mống mắt), Hemihypertrophy (phì đại nửa người), ẩn tinh hoàn (tinh hoàn không xuống bìu), hoặc lỗ đái thấp.

Hội chứng WAGR: Hội chứng này bao gồm u Wilms (W), không có mống mắt (A), bất thường của bộ phận sinh dục - tiết niệu (Genitourinary anomalies) và chậm phát triển trí tuệ (Retardation).

Hội chứng Denys-Drash: Hội chứng này bao gồm u Wilms, bệnh thận và lưỡng giới giả nam (pseudohermaphroditism-trong đó một cậu bé được sinh ra có tinh hoàn nhưng có đặc điểm sinh dục thứ phát là của nữ).

Hội chứng Beckwith-Wiedemann. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm thoát vị rốn, lưỡi lớn (macroglossia) và tăng kích thước các cơ quan nội tạng.

Phát hiện bệnh

Bệnh có thể tiến triển âm thầm mà không có triệu chứng gì cho đến khi tình cờ phát hiện. Vì vậy, trẻ em có khối u Wilms có thể tương đối khỏe mạnh.

Một số triệu chứng có thể gặp do sự phát triển của khối u như: bụng to, đau bụng, sốt, đái ra máu. Tuy nhiên, các triệu chứng này là không đặc hiệu và có thể gặp ở rất nhiều bệnh lý khác. Gia đình cần thận trọng, đưa trẻ đi khám khi có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Khối u Wilms đa số gặp ở một thận, trường hợp ở hai thận khá hiếm và thường là ở giai đoạn muộn của bệnh.

Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): đều có thể phát hiện ra bệnh ở đại đa số các trường hợp.

Khi phát hiện ra khối u thận, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sinh thiết khối u dưới hướng dẫn của siêu âm hay CT. Kết quả được gửi đến BS chuyên khoa giải phẫu bệnh và có thể xác định được loại u, mức độ ác tính…

Việc xác định giai đoạn bệnh rất quan trọng, từ đó có thể xác định các phương án điều trị. Cơ sở của việc chẩn đoán giai đoạn u đó là dựa trên kết quả chụp Xquang, CT Scanner ngực, MRI ngực và quét xương để xác định xem ung thư còn đang khu trú hay đã lan tràn ra ngoài thận.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tiêu chuẩn điều trị u Wilms là phẫu thuật và hóa trị. Cơ sở điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và bản chất mô học của khối u. Có 2 loại mô học của khối u là loại thuận lợi và loại không thuận lợi. Trẻ có khối u có mô học thuận lợi có tỷ lệ sống cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trẻ với mô học không thuận lợi cũng có kết quả tốt.

Bởi vì đây là loại ung thư này hiếm gặp, bố mẹ trẻ nên đưa trẻ đến khám và điều trị tại các trung tâm phẫu thuật và điều trị bổ trợ có kinh nghiệm.

ThS.BS. Trần Đức Tâm

6 dấu hiệu chỉ điểm bệnh ở lợi

Chảy máu

Nếu tình cờ phát hiện có máu trong và sau khi đánh răng hoặc sau khi ăn, bạn cần cảnh giác. Chảy máu lợi không rõ nguyên nhân phần lớn đều báo hiệu bệnh ở lợi và không nên bỏ qua vì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của một số bệnh nguy hiểm hơn.

Đỏ và sưng lợi

Nhiễm trùng quanh răng khiến lợi sưng và mềm. Tình trạng này có thể gây đau dữ dội và khó chịu. Lợi đỏ, sưng là dấu hiệu của bệnh lợi.

Răng nhạy cảm

Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới khi răng bắt đầu bị nhạy cảm là do sâu răng và bạn cần tránh những thực phẩm làm cho tình trạng nhạy cảm này trầm trọng hơn. Nhưng rất có thể răng nhạy cảm là do bệnh lợi chứ không phải do sâu răng và cần được chăm sóc nhiều hơn là chỉ tránh dùng một số loại thực phẩm và đồ uống.

Hôi miệng

Nói chung, những người bị hôi miệng thường tránh những thực phẩm đặc biệt mà họ cho là nguyên nhân khiến hơi thở hôi. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể do sự xuất hiện của cao răng, vi khuẩn và những hạt thức ăn đang phân hủy trong miệng gây bệnh nướu.

Tụt lợi và lộ chân răng

Một dấu hiệu rõ rệt của bệnh nha chu là tụt lợi, dẫn tới lộ chân răng. Đây là do nhiễm trùng lợi vì vi khuẩn phá hủy các mô lợi. Ngoài ra, tụt lợi khiến răng trông như dài hơn. Nếu bạn thấy răng đột ngột trông dài hơn, đó có thể là dấu hiệu bệnh lợi và không nên bỏ qua.

Răng lung lay

Tiêu huỷ mô xương và lợi do bệnh nha chu khiến răng lung lay. Vì mô bị tổn hại, dễ làm răng bị lung lay. Và khoảng cách giữa các răng lớn do răng lung lay.

Nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bước đầu tiên là cần đổi sang loại kem đánh răng có tác dụng bảo vệ lợi với kẽm citrate. Kẽm citrate bảo vệ lợi và giúp giảm chảy máu lợi.

BS. Tuyết Mai (Theo Timesofindia)

Khi trẻ em uống nhầm

Có nhiều loại hóa chất được dùng trong gia đình như các loại xà phòng tắm, dầu gội đầu, hóa chất giặt tẩy, nước javen… Vì vậy các tai nạn ngộ độc do uống phải hóa chất cũng trở thành thường gặp. Ngộ độc hóa chất gia dụng xảy ra ở trẻ em đa số là do uống nhầm.

Triệu chứng, dấu hiệu ngộ độc

Các biểu hiện tiêu hóa:

Đau họng miệng, đau bụng, buồn nôn và nôn, môi lưỡi đỏ sung huyết, phồng rộp, trượt niêm mạc… Đau khu trú vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng.

Các biểu hiện của hệ hô hấp: Khó thở, thở nhanh nông, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức là các biểu hiện của suy hô hấp. Ngoài ra có thể nghe thấy tiếng thở rít do co thắt thanh quản.

Hệ tuần hoàn:

Có thể có tình trạng sốc do giảm thể tích, do đau hoặc do quá sợ, khi bị sốc sẽ thấy da bệnh nhân tái lạnh, nhợt nhạt, ẩm, có khi nổi các vân tím. Mạch quanh nhanh nhỏ khó bắt.

Thần kinh: Nạn nhân có thể bị rối loạn ý thức, sảng, suy sụp, hôn mê. Với trẻ nhỏ có thể hốt hoảng la khóc, nhưng cũng có thể li bì hôn mê.

Khi trẻ em uống nhầm 1 Xử trí trẻ bị ngộ độc hóa chất tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: TD

Xử trí ngộ độc hóa chất

Cần giải thích trấn an để bệnh nhân không sợ hãi, hợp tác để giúp tìm hiểu và xử trí chính xác. Tìm kiếm, kiểm tra các hóa chất trong nhà để xác định tên hóa chất nạn nhân đã uống phải, hỏi bệnh nhân (đặc biệt là với trẻ em) nhiều lần để xác định và kiểm tra các thông tin về loại hóa chất, số lượng, thời gian uống và các thông tin liên quan khác.

Cho nạn nhân uống nước hoặc sữa để pha loãng độc chất: Hầu hết các trường hợp uống các chất tẩy rửa trong nhà như xà phòng tắm, dầu gội đầu, nước rửa bát, chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa để pha loãng hóa chất, giảm kích thích niêm mạc. Cần uống nhiều nhưng từ từ tránh nôn sặc, theo dõi trẻ trong vòng vài giờ, để trẻ ở tư thế ngồi để dễ nôn tự nhiên.

Có thể gây nôn khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và hợp tác, bệnh nhân là trẻ lớn. Cho uống 200 - 300ml nước muối 0,9% rồi ngoáy họng bằng tay. Không gây nôn khi uống các hóa chất ăn mòn mạnh (acid, base, hoặc xăng dầu…).

Khi trẻ có các biểu hiện suy hô hấp, trụy mạch, sốc cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Trong khi chuyển đến bệnh viện cần đặt trẻ ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng sang một bên.

Phòng tránh ngộ độc các hóa chất dùng trong gia đình

Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em. Những chất có độc tính cao (các dung môi pha sơn, các hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi…) cần để những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.

Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất. Ngược lại không đựng các hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống. Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại. Các trẻ nhỏ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo không nên để trẻ tự chơi một mình. Cần có người lớn hoặc các anh chị lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.

Bác sĩ Kim Thoa

Những lợi ích bất ngờ của ánh nắng đối với sức khỏe

Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da nhưng lại giảm nguy cơ phát triển các loại ung thư khác. Theo một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives, những người sống ở các vĩ độ cao có nguy cơ mắc các loại ung thư vú, buồng trứng, đại tràng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt và ung thư khác cao hơn so với những người sống ở vĩ độ thấp.

Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời giúp điều hòa huyết áp.

Cải thiện giấc ngủ

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày sẽ giúp nhịp sinh học hoạt động đúng hướng và làm tăng nồng độ serotonin, từ đó giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, tận hưởng một giấc ngủ sâu hơn và thức dậy tươi tỉnh hơn.

Có lợi cho bệnh nhân Alzheimer

Nghiên cứu lâm sàng cho thấy tiếp xúc ánh sáng với đầy đủ các mức độ phổ quang suốt cả ngày đầy đủ kết hợp với bóng tối ban đêm có thể giúp cải thiện một số khía cạnh nào đó của bệnh Alzheimer như giảm kích động, tăng cường giấc ngủ, giảm mất ngủ vào ban đêm và hoạt động của các bệnh nhân này.

Chữa bệnh vảy nến

Tiếp xúc với ánh nắng cực kỳ tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Trong một nghiên cứu, liệu pháp tắm nắng ngoài trời trong bốn tuần đã tạo ra những chuyển biến đáng kể trong việc loại bỏ triệu chứng của bệnh vảy nến.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Ánh nắng mặt trời còn như bài thể dục hữu hiệu cho trái tim. Những người sống trường thọ ở một số vùng thuộc Trung Á thường sinh hoạt ở ngoài trời hằng ngày, có nghĩa là họ đã được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn.

Điều hòa huyết áp

Ánh sáng mặt trời đã được chứng minh là làm tăng lưu thông máu, đặc biệt ở các tĩnh mạch, giảm cholesterol và nhu cầu tiêu thụ ôxy ở cơ tim, giúp điều hoà huyết áp.

Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Martin Feelisch, giải thích rằng ôxít nitric và các chất phụ thuộc cũng được chứa ở dưới da và có khả năng ánh nắng đã động viên các phân tử này dịch chuyển từ da vào máu làm giãn mạch máu và hạ huyết áp.

An Nhiên (Tổng hợp)

Mỹ Tâm nổi nhất tập đầu The Voice nhờ tài "ăn nói kinh khủng"Mỹ Tâm nổi nhất tập đầu The Voice nhờ tài `ăn nói kinh khủng`Lưu ý trong phong thủy cầu thang để không gây hại cho gia chủLưu ý trong phong thủy cầu thang để không gây hại cho gia chủNhững mối nguy hại chết người từ thuốc ngủNhững mối nguy hại chết người từ thuốc ngủ

(Theo VTC)

8 cách phòng ngừa ung thư ở trẻ em

Tại Mỹ, mỗi năm ghi nhận hơn 9000 trẻ em bị ung thư (tức là cứ 450 trẻ có 1 trẻ mắc ung thư). Phổ biến nhất trong các loại ung thư trẻ mắc phải là các bệnh bạch cầu, lymphoma, u não... , tuy nhiên mỗi bệnh lại có nhiều loại khác nhau.

Ung thư thuộc một trong 100 nhóm bệnh gây ra do nguyên nhân các tế bào ác tính trong cơ thể. Ung thư được tách ra thành các loại khác nhau tùy thuộc vào loại tế bào đó có nguồn gốc từ (máu, não, phổi ...), nếu nó xâm chiếm bộ phận cơ thể tạo ra khối u hoặc lây lan đến các cơ quan khác (di căn). Các chuyên gia ung thư trẻ em cho rằng nguyên nhân gây ung thư ở trẻ nhỏ hiện thiên về xu hướng sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và tác động của môi trường. Đó là do gen, những biến đổi di truyền học trong gen của đứa trẻ sinh ra các bệnh ung thư. Tuy nhiên người ta cũng không phủ nhận lối sống và môi trường cũng tác động tới tăng nguy cơ ung thư ở trẻ. Những tác động đó không chỉ là những tiếp xúc của trẻ em trong thời thơ ấu, mà cả những giai đoạn trưởng thành. Điều này một phần do sự giáo dục của cha mẹ, họ có dạy bảo những đứa con của mình phòng tránh những nguy cơ gây ung thư hay không.

Vậy ung thư trẻ em có phòng chống được không và cần phải làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ nhỏ:

Khói thuốc lá

Việc đầu tiên cha mẹ có thể làm để bảo vệ sức khỏe của trẻ là không hút thuốc lá và không cho phép bất cứ ai hút thuốc đến gần con em mình. Thực tế, có 4/5 bệnh ung thư có nguyên nhân do thuốc lá, các chất độc trong khói thuốc tác động tới DNA của các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc 14 loại ung thư khác nhau như phổi, bệnh bạch cầu, vòm họng, gan, thận ... Nói cách khác, khói thuốc làm tăng nguy cơ ung thư tới 25%.

Khói ở cuối mỗi điếu thuốc còn nguy hiểm hơn bởi nó có gấp 3 lần carbon monoxide (chất độc hại cho tim, phổi và mạch máu), 10 lần chất nitrosamine và hàng trăm lần khói amoniac. Nếu bạn hút thuốc, nguy cơ con của bạn trở thành một người nghiện thuốc tăng gấp 25 lần. Đây chính là lý do bạn nên bỏ thuốc nếu muốn đem lại sức khỏe tốt nhất cho một đứa trẻ.

Ánh nắng

Bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời là cách để phòng tránh bệnh ung thư da. Sử dụng kem chống nắng là biện pháp hữu hiệu phòng tránh các tia tử ngoại có hại cho da. Vào những ngày nắng nóng, không để trẻ chơi ngoài trời nắng, có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Cần đội mũ, đeo kính cho trẻ khi đi ra ngoài nắng.

Mất cân bằng trong chế độ ăn

Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều chất xơ, trái cây và rau quả là biện pháp tốt nhất để phòng tránh ung thư. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thịt chế biến, thịt đỏ nhiều muối. Khi ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể bạn loại bỏ các hóa chất độc hại, ngăn ngừa và sửa chữa các tổn thương của DNA, ngăn chặn sự tích tụ của các hóa chất gây ung thư. Các nhà khoa học đã chứng minh chế ăn uống không khoa học có liên quan tới các bệnh như ung thư vú, miệng, thực quản ....

Không tập thể dục

Tập thể dục là một biện pháp giúp ổn định lượng hormone như estrogen và insulin có liên quan đến ung thư. Lối sống năng hoạt động sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, ruột, và tử cung.

Thừa cân béo phì

Đây là nguyên nhân dẫn tới ung thư vú, thực quản, ruột, ung thư gan, thận, tuyến tụy và ung thư tử cung.... Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối, khỏe mạnh làm giảm khả năng các mô mỡ tác động đến sự tăng trưởng của các tế bào, giảm nguy cơ ung thư. Do vậy béo phì thường liên quan tới ung thư.

Tiếp xúc với hóa chất

Các loại hóa chất, thuốc trừ sâu là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư trẻ em. Theo một nghiên cứu, nếu trẻ con sớm tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ ung thư máu lên 47%. Cha mẹ hoặc người lớn cần mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất này, tránh mang những hóa chất này về nhà có trẻ em. Những hóa chất cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe của trẻ là asen, benzen, amiăng .... Đây là những hóa chất dùng trong công nghiệp, thường thấy xuất hiện trong những đồ dùng trong nhà như các loại chất tẩy rửa, sơn .... Nên cách ly trẻ với những hóa chất độc hại này.

Đồ uống có cồn

Rượu làm ảnh hưởng đến mức độ hormon, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở người lớn. Nếu cha mẹ sử dụng rượu, đặc biệt thời kỳ mang thai, có nguy cơ con cái họ cũng nghiện rượu sau này. Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, miệng, vòm họng và đường ruột.

Các bệnh nhiễm trùng

Những loại bệnh nhiễm trùng như viêm gan b, viêm gan C nếu cha mẹ mắc phải, cần phải tiêm phòng đầy đủ cho trẻ ngay từ lúc mới sinh bởi nếu không nguy cơ những đứa trẻ có nguy cơ mắc ung thư gan sau này.

Theo thống kê, virus HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, hiện đã có vaccin phòng ngừa, trẻ em gái nên được tiêm vaccin phòng bệnh khi 11-12 tuổi. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vaccin HPV đã giảm 2/3 nguy cơ nhiễm HPV ở trẻ vị thành niên.

Những nguy cơ ung thư ở trẻ em thường khó kiểm soát nhất là khi còn là một bào thai và ở tuổi vị thành niên – lúc cơ thể đang phát triển nhanh và có nhiều thay đổi. Do đó những biện pháp phòng ngừa trên đây sẽ giúp cha mẹ bảo vệ được con em mình khỏi căn bệnh ung thư.

Nguyễn Hoàng Mai

(Theo Outbreaknewstoday)